Kinh nghiệm du lịch Cần Thơ - Cái Răng
Thân chào mọi người, lâu lắm rồi mình mới có thời gian ngồi viết blog thế này. Đợt vừa rồi mình vừa đi Cần Thơ chơi, không phải là lần đầu mình xuôi về miền tây nhưng Cần Thơ thì là lần đầu. Chuyến đi lần này mình chưa vừa ý, có những dịch vụ trước khi đi nghĩ là sẽ tốt nhưng đến lúc trải nghiệm rồi mới thấy không phải như vậy. Vậy nên, hôm nay mình viết bài review lại 1 ngày 1 đêm đi trốn tại Cần Thơ cho những ai có ý định đến đây tham khảo nhé. Btw, ngoài Cần Thơ, nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác săn mây lơ lửng dưới chân thì hãy đến thăm núi Chứa Chan sau khi đọc bài Lần đầu leo núi Chứa Chan của mình nha. Còn bây giờ đi Cần Thơ thui, Let's go!
Lộ trình ban đầu, mình dự tính theo đường đi bộ trên maps, tức là theo hướng Võ Văn Kiệt ra xa lộ Đại Hàn và đi vào Nguyễn Hữu Trí. Đây là lộ trình tránh quốc lộ 1A vì mình đoán dịp nghỉ lễ lượt xe đổ về hướng này sẽ rất đông. Nhưng sau đó lộ trình phải thay đổi vì đường Nguyễn Hữu Cảnh bị cấm vài hôm trước. Sau khi ăn sáng đầy đủ (nhớ ăn sáng nhé, chạy 180 km luôn đó), mình và Mai Hương xuất phát từ quận 9 về hướng Bình Chánh. Không còn lựa chọn nào khác, tụi mình phải đi xuôi theo quốc lộ với lộ trình như sau:
Quận 9 - Võ Chí Công - Cầu Vượt Mỹ Thuỷ - đường Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1A - qua cầu Bến Lức - qua cầu Tân An - quốc lộ 1A - đường 878 - quốc lộ 1A - qua cầu Mỹ Thuận - quốc lộ 1A - qua cầu Cần Thơ - quận Ninh Kiều.
Với lộ trình này, tụi mình đi qua các điểm check in như sông Vàm Cỏ Đông nay cầu Bến Lức, sông Vàm Cỏ Tây ngay cầu Tân An. Đây là 2 con sông thường được nhắc đến trong các bài hát, thơ văn. Nổi tiếng có bài hát Vàm Cỏ Đông luôn. Trước khi đi qua 2 địa danh này, mình có tìm hiểu và hỏi ý nghĩa của cái tên Vàm Cỏ. Đa số người được hỏi đề trả lời vì xa xưa trước đây ven con sông có các mảng cỏ lớn, sau này đặt tên là sông Vàm Cỏ. Tuy nhiên, một số tài liệu trông có vẻ xịn xò mà mình đọc được có nhắc đến việc sông Vàm Cỏ có tên gốc Khmer và Piăm Vacọ, nghĩa là "vàm lùa bò". Gắn liền với các điểm tích của người Khmer rằng sông Vàm Cỏ được tạo ra từ việc lùa trâu, bò lâu dần tạo thành cái láng, rạch và dần thành con sông như ngày nay. Ngoài ra, chúng ta còn đi qua 2 cây cầu lớn nhất nhì miền sông nước là cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ. Cầu Mỹ Thuận dài 1,5 Km, cầu Cần Thơ còn dài hơn, tận 2,75 Km. Do kẹt xe quá nên tụi mình cũng chả được check in 2 cây cầu này...
Đến nhận phòng vào 14 giờ chiều, tụi mình nghỉ ngơi sau đó ra bến Ninh Kiều tham quan. Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh có một quán bán cơm trộn, mì trộn rất ngon mà giá chỉ giao động từ 20 - 30 nghìn đồng, địa chỉ cụ thể mình không nhớ rõ. Tại bến Ninh Kiều, hoạt động chủ yếu là đi dạo tham quan và chụp hình. Không khó để tìm được một địa điểm gửi xe máy tại đây. Vì là trung tâm thành phố nên các địa điểm tham quan khác cũng nằm gần nhau nên mọi người có thể yên tâm gửi xe và tản bộ. Tại bến, có các cổng đánh số, đây cũng là địa điểm đón trả khách của các tour du lịch trên sông Cái Răng.
Tại đây, tụi mình bắt gặp rất nhiều địa điểm bán vé tham quan chợ nổi Cái Răng với rất nhiều mức giá, bao gồm cả tour và thuê thuyền, ghe tự túc. Ban đầu, mình nghĩ đi theo một tour sẽ thú vị hơn vì họ biết những nơi đẹp, mình không phải tìm và còn được nghe những câu chuyện từ hướng dẫn viên. Tuy nhiên, sau khi tham gia tour chợ nổi Cái Răng + làng hủ tiếu với giá 89K/vé thì mình thay đổi suy nghĩ. Các tour dạng này không đưa mình vào chợ nổi mà chỉ dừng tại các trạm du lịch. Các xuồng, ghe bán hàng từ đó tiếp cận để bán buôn nhưng vì không gian nhỏ nên rất khó tiếp cận, mình chỉ đứng nhìn chứ không nhảy qua nhảy lại để tới cái ghe mình thích được. Các địa điểm mà tàu neo lại cũng không hấp dẫn bằng phía xung quanh chợ nổi, đồ ăn "giá du lịch" và lượng khách trên một khu vực nhà phao rất đông. Trong khi đó, nếu thuê ghe đi riêng thì mình có thể dạo quanh chợ nổi, thưởng thức được các món ăn khác mà không bị phụ thuộc vào nội dung của tour. Với số lượng 2 người thì việc thuê một chiếc ghe riêng sẽ tăng chi phí hơn so với đi tour ghép đoàn. Tuy nhiên, với số lượng 3 - 4 người thì việc thuê ghe riêng để đi tham quan chợ nổi là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý.
Đăng nhận xét