Các lưu ý khi cài đặt python trên hệ điều hành Windows 10




Chào mọi người, sau thời gian thực hành một dự án nhỏ về thị giác máy tính thì hôm nay mình muốn viết bài này để chia sẻ các vấn đề mình gặp phải trong quá trình thực hiện. Một số vấn đề mình chỉ tìm thấy trên các diễn đàn nước ngoài và một số khác khiến mình mất khá nhiều thời gian mặc dù sau đó mình cảm thấy xử lí nó rất dễ, bài viết này sẽ tổng hợp những gì mình đã trải qua nhằm giúp các bạn mới tiếp cận tiết kiệm được thời gian nếu gặp phải các vấn đề tương tự.

Tất cả các bài viết trong series này sẽ được đánh dấu CVT0x để các bạn tiện thao dõi.

Mình sử dụng ngôn ngữ Python, nên trước tiên các bạn cần thiết lập môi trường để Python có thể hoạt động trên phần cứng của các bạn. Cụ thể ở đây là trên laptop chạy hệ điều hành windows 10, 64 bit chúng ta cần cài đặt gói Python tại đây. 

Nên cài đặt phiên bản python nào?

Ở trang cài đặt, các bạn sẽ thấy có rất nhiều phiên bản Python nhưng tổng quan nó được chia làm hai phiên bản chính là Python 2.x và Python 3.x. Phiên bản Python 3.x có một số thay đổi về câu lệnh so với Python 2.x khiến cho 2 phiên bản này tách biệt với nhau về các gói hỗ trợ. Trước đây, khi search từ khoá "Nên cài Python 2.x hay Python 3.x" thì các bạn sẽ nhận được kha khá lời khuyên là nên cài Python 2.x vì Python 2.x đã có từ lâu nên các ví dụ, các dự án mở và các gói hỗ trợ của nó là rất nhiều, điều này phù hợp với các bạn sinh viên cần mẫu để nghiên cứu. Tuy nhiên, tại thời điểm này thì chắc chắn rằng các bạn phải cài đặt Python 3.x Python 2.x sẽ bị khai tử vào ngày 01/01/2020, tức là các dịch vụ hỗ trợ Python 2.x sẽ ngừng cung cấp sau một thời gian Python S.F giữ lại Python 2.x để các lập trình viên có thời gian chuyển đổi giữa 2 phiên bản.

Có nên cài phiên bản mới nhất?

Theo mình thì... không!
Các gói hỗ trợ có thể chưa được cập nhật đối với các phiên bản Python mới, các bạn nên lựa chọn các phiên bản trước đó để nhận được sự hỗ trợ đầy đủ. Ví dụ, tại thời điểm hiện tại thì gói Tensorflow chưa hỗ trợ cho phiên bản Python 3.8.

Cài đặt như thế nào?

Sau khi chọn được phiên bản phù hợp, các bạn chọn gói tin sau để cài đặt...


Các bạn cài đặt gói như trên ảnh cho máy chạy hệ điều hành windows 10, 64 bit





Sau khi download hoàn tất, các bạn chạy file vừa tải về để tiến hành cài đặt.




Lưu ý tick vào 2 lựa chọn phía dưới, lựa chọn phía trên để cấp quyền truy cập khi bạn sử dụng các gói hỗ trợ, lựa chọn phía dưới là để các bạn tự động khai báo biến môi trường, phục vụ cho việc sử dụng Python trong các ứng dụng command line như cmd.exe 

Tại cửa sổ Option Features, các bạn có thể bỏ chọn documentation và tcl/tk and IDLE vì mình nghĩ nó không cần thiết.

Update: trong quá trình sử dụng mình đã đụng tcl/tk and IDLE khi cần dùng tk, nên mình nghĩ để chắc ăn các bạn cứ cài hết toàn bộ nhé.




Tại cửa sổ Advanced Options, các bạn có thể để mặc định đường dẫn cài đặt như trên hình hoặc có thể đổi thành C:\Python36 (nếu cài phiên bản Python 3.6) để dễ nhớ và dễ thao tác hơn. Sau đó nhấn install để tiến hành cài đặt!

Các bạn kiểm tra việc Python đã cài đặt thành công hay chưa bằng cách mở cmd.exe  và gõ lệnh python vào cmd.exe, nếu lệnh trả về thông tin như sau là đã thành công.


C:\user\Phongnguyen> python

Python 3.6.7 (v3.6.7:6ec5cf24b7, Oct 20 2018, 13:35:33) [MSC v.1900 64 bit (AMD64)] on win32
Type "help", "copyright", "credits" or "license" for more information.
>>> |


Để thoát ra khỏi Python, các bạn gõ lệnh:

C:\user\Phongnguyen> exit()



Ở bài viết sau chúng ta sẽ tiến hành cài đặt IDE cho Python, cách tạo một project và add các gói hỗ trợ. Hy vọng mọi người cài đặt Python thành công, chào mọi người.