5 điều quan trọng khi mua laptop cũ


Xin chào các bạn, lâu rồi mình mới có thời gian quay lại với blog, khá là tiếc khi blog trước đây bị lỗi và mình không có bản lưu trữ. Đây là sẽ địa chỉ blog mới, hy vọng được các bạn ủng hộ và theo dõi. Hôm nay mình sẽ chia sẻ 5 bước để các bạn chọn mua một chiếc laptop cũ với giá thành vừa túi tiền mà đảm bảo được chất lượng và cấu hình cao hơn các mẫu máy mới cùng tầm giá.

Tại sao nên mua laptop cũ?

Laptop có rất nhiều phân khúc giá khác nhau, theo đó cấu hình máy cũng khác nhau. Cấu hình máy sẽ quyết định những công việc laptop của bạn có thể làm. Ở thời điểm hiện tại, phân khúc giá dưới 10 triệu các bạn chỉ có thể tìm được các mẫu laptop phục vụ cho các tác vụ văn phòng ở tầm trung, với các dòng core I3 trở xuống. Để có thể thực hiện các tác vụ yêu cầu cấu hình mạnh hơn chúng ta phải bỏ ra số tiền tương đối lớn. Hơn nữa, công nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Việc sở hữu một thiết bị cấu hình phân khúc tầm trung trong thời điểm hiện tại sẽ nhanh chóng bị coi là lỗi thời chỉ trong một vài năm sau. Với nhu cầu nâng cấp máy để đáp ứng các cải tiến công nghệ, việc mua các mẫu máy cũ theo mình là kinh tế hơn so với mua máy mới vì khả năng cao các bạn cũng sẽ phải đổi máy sau vài năm sử dụng. Vì vậy việc chọn tìm và mua một chiếc laptop cũ vừa đáp ứng được cấu hình và giá thành cũng mềm hơn rất nhiều so với laptop mới.


Cần biết gì khi mua laptop cũ?

Việc đầu tiên khi bắt đầu chọn mua laptop, các bạn cần xác định được nhu cầu sử dụng của bản thân. Thông thường thì để xác định các bạn hãy trả lời câu hỏi "mình mua laptop để phục vụ công việc gì?", "Laptop mình sẽ sử dụng các phần mềm nào thường xuyên?", ... Khi mua một chiếc laptop cũ (laptop mới cũng tương tự) các bạn cần quan tâm đến các thông số sau, những thông số này sẽ quyết định khả năng xử lí các tác vụ để đánh giá sức mạnh của máy và thường được trình bày rõ ràng trong các bài rao bán, các bài đăng bán:

Ví dụ:



 
CPU: có 2 hãng lớn là IntelAMD, mình thường sử dụng chip của nhà sản xuất Intel với các dòng chip như core 2 duo, core I3, core I5, core I7,... ở mỗi dòng lại có các thế hệ chip khác nhau. Để chọn một chiếc laptop tầm khá mình đề xuất chọn bộ xử lý ở các dòng core I5, mình nghĩ các bạn không cần quan tâm lắm đến việc như chip core I5 này thế hệ mấy vì chênh lệch sức mạnh giữa các thế hệ cũng không lớn lắm. Các bạn kỹ tính hơn có thể tham khảo thêm và so sánh giữa các thế hệ trong cùng một dòng để lựa chọn. Cập nhật tại 2023 thì các dòng chip Ryzen của AMD cũng đã tiệm cận về mặt hiệu năng so với Intel. Đây cũng là một lựa chọn rất tốt vì giá thành các loại laptop sử dụng chip hãng AMD thường có giá thành tốt hơn chip thuộc hãng Intel.

Ổ cứng SSD Intel

Ổ cứng: Có rất nhiều hãng, có thể kể đến như Seagate, Samsung, Hitachi, ... ổ cứng đóng vai trò là một không gian lưu trữ dữ liệu, không gian càng lớn thì càng thoải mái. Có 2 loại ổ cứng là SSDHDD, mỗi loại có một ưu điểm riêng. Tốc độ xử lý của SSD sẽ nhanh hơn, giá thành sẽ cao hơn khi so sánh với giá của một ổ HDD cùng dung lượng. Đối với HDD, giá mềm hơn, có thể khôi phục lại dữ liệu nếu lỡ bị hư ổ cứng, dung lượng lớn từ 40 GB cho đến 500 GB, 1 TB,...Ổ SSD thường được ưa chuộng để cài đặt hệ điều hành nếu laptop của bạn có thể sử dụng song song 2 ổ cứng, tuy nhiên nếu laptop chỉ có một ổ cứng các bạn phải cân nhắc việc chọn SSD hay HDD. Tùy vào nhu cầu lưu trữ và tài chính mà các bạn có thể chọn loại phù hợp cho mình.


RAM: Nếu ví CPU như bộ não thì RAM như là cơ bắp của laptop, ở thời điểm hiện tại mình nghĩ một chiếc laptop có thể chạy trơn tru các tác vụ nhẹ nên được trang bị RAM 4 GB trở lên, tất nhiên là bộ nhớ RAM càng nhiều thì khả năng xử lý đa nhiệm càng tốt. Để chạy các phần mềm kỹ thuật cơ bản nên chọn cấu hình RAM 8 GB trở lên và cuối cùng để thực hiện tốt các tác vụ đồ họa nên chọn cấu hình RAM 16 GB trở lên. Thông thường, các dòng laptop mới cho phép mức cấu hình RAM lớn nhất là 32 GB, với 4 khe RAM, mỗi khe tối đa lắp một thanh RAM 8 GB. Điều này quan trọng, nếu các bạn có dự định nâng cấp RAM về sau, hãy hỏi người bán việc hiện tại có bao nhiêu khe RAM đang được sử dụng.

Ví dụ: Với cấu hình RAM là 16 GB, có thể dùng 4 khe RAM, mỗi khe là một thanh RAM 4 GB hoặc có thể dùng 2 khe RAM, mỗi khe là một thanh RAM 8 GB. Việc sử dụng 2 thanh 8 GB sẽ giúp dư ra 2 khe RAM tiện cho việc nâng cấp sau này. Ngược lại, việc sử dụng duy nhất 1 thanh RAM 16 GB sẽ mang tới rủi ro cao nếu như thanh RAM duy nhất bị hỏng và bạn sẽ mất luôn 16 GB RAM, không có RAM dự phòng.

Ngoài ra, trên mỗi thanh RAM có số BUS, số BUS này cũng ảnh hưởng đến năng suất làm việc của laptop. Đối với các bạn muốn tìm hiểu kỹ, các hãng RAM có thể khác nhưng mình đề xuất kiểm tra số BUS trên các thanh RAM phải giống nhau.

2 thanh RAM Myservice 1 GB




 
Card màn hình: Có 2 loại laptop, loại sử dụng card on-board (loại card không thể tháo rời) và loại dùng card rời. Các laptop chỉ dùng card on-board thường là laptop phổ thông, xử lý các tác vụ cơ bản và không đòi hỏi chuyên nghiệp. Ngược lại các laptop được trang bị card rời thường là các laptop xử lý được các tác vụ nặng và tỏa nhiệt cao hơn. Nếu chọn laptop card on-board mình nghĩ các bạn không cần quan tâm đến thông số này. Tuy nhiên, nếu chọn card rời các bạn phải hết sức quan tâm. Thông thường mình chuộng sử dụng các dòng như GTX, Quardo của hãng Nvidia.

Ngoài các thông số trên thì thời lượng pin, chất lượng màn hình, có đèn bàn phím hay không, vở kim loại hay nhựa, có ổ DVD hay không có vân tay hay không, có camera hay không, có cổng VGA hoặc HDMI hay không, độ lớn màn hình là bao nhiêu inchs, có cảm ứng hay không, có xoay 360 hay không,... cũng là các câu hỏi tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu sử dụng của các bạn.

Sau khi đã xác định được nhu cầu, các bạn sẽ đề xuất các thông số cơ bản để dựa vào đó tìm kiếm. Mình lấy ví dụ, nếu các bạn muốn tìm một chiếc laptop cũ chỉ phục vụ cho học tập với các tác vụ đơn giản như Word, Excel, PowerPoint,... trong Office thì có thể chọn các dòng laptop có bộ xử lí từ core I3 trở lên, RAM từ 4 GB trở lên, ổ cứng SSD 256 GB, card on-board. Hoặc laptop cũ phục vụ việc học các môn kỹ thuật có thể chọn các dòng laptop có bộ xử lí core I5 trở lên, RAM 8 GB trở lên, ổ cứng SSD 128 GB + HDD 320 GB hoặc duy nhất HDD 500 GB, card quardo K1100 hoặc K2200.


Thời điểm mình viết bài này, các mẫu laptop cũ với mức giá 7 triệu quay đầu, ưu tiên các máy có ngoại hình khá, cấu hình ổn: HP elitebook 8470p, Dell latitude E6420, Dell latitude E6220, Toshiba R930, ... Để có thể chọn mua một chiếc laptop trong những em phía trên các bạn cần lưu ý những điều như sau:
  1. Lựa chọn các cửa hàng có cam kết bảo hành phần cứng ít nhất là 3 tháng, có chế độ đổi trả trong vòng từ 7 ngày đến 15 ngày và phải có giấy tờ bảo hành đầy đủ.
  2. Tìm ít nhất 3 cửa hàng có bán dòng máy mình chọn mua và so sánh giá, dịch vụ, thời gian bảo hành, cấu hình máy để có thể lựa chọn cửa hành phù hợp.
  3. Khi đến kiểm tra máy:
  • Kiểm tra lần lượt từ ngoài vào trong xem có trầy xước, biến dạng gì không
  • Kiểm  tra màn hình bằng các bảng màu khác nhau xem màn hình có điểm chết hay vấn đề gì khác hay không bằng cách tìm từ khóa screen test trên google
  • Kiểm tra keyboard, touchpad,...
  • Kiểm tra các cổng kết nối
  • Kiểm tra ổ cứng bằng các phần mềm chuyên dụng như: Crystal Disk Info
Và còn nhiều bước kiểm tra khác nữa, mình sẽ viết một bài chi tiết về từng bước kiểm tra máy sau, chúc các bạn tìm được mẫu laptop phù hợp với nhu cầu và tài chính bản thân.


Trieuphong